Với những người đam mê sưu tầm đồ gỗ thì dòng đồ gỗ xưa luôn được chú ý và có thể coi đây là một báu vật. Tủ thờ cổ là một trong những món đồ được ưa chuộng nằm trong số đó.
Tủ thờ cổ được trong các gia đình ở vùng miền Tây
Rất nhiều gia đình ở miền Tây sở hữu những chiếc tủ thờ cổ, tràng kỷ, tủ quần áo, bộ ván ngựa… từ thời ông bà để lại. Những món đồ này nay đã xuống cấp, đa phần đều bị mối mọt, mục nát. Tuy vậy, những người yêu thích đồ gỗ sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua về phục chế lại, bổ sung vào bộ sưu tập đồ gỗ của mình.
Một chiếc tủ thờ cổ một câu chuyện
Một trong những món đồ gỗ xưa thường được giới chơi ưa chuộng là tủ thờ cổ. Chỉ cần nhìn vào nhà nào có cái tủ thờ xưa cẩn ốc sáng quắc, chất liệu thường là gỗ mật, cẩm lai, hoặc gỗ trắc… đặt bệ vệ ngay gian chính của ngôi nhà, trên nóc tủ là bộ lư mắt tre xưa, cùng các món đồ cúng trong ngũ sự là phần nào biết được chủ nhân của nó trước đây thuộc hàng tá điền hay địa chủ.
Con cháu thế hệ sau không biết rõ giá trị của nó, nhưng rất khó để gạ mua (vì theo quan niệm, tủ thờ là nơi để chưng đồ thờ cúng ông bà, ai lại bán). Nhưng rồi đến khi phát hiện ra chiếc tủ bị mối mọt ăn ruồng, họ chấp nhận bán cái tủ với giá rẻ. Nhờ đó, giới chơi tủ ở Sài Gòn có được những món sưu tập đáng giá.
Tủ thờ cổ bị mối mọt lại trở thành món đồ sưu tầm có giá của người Sài Thành
Một trong những nét đẹp độc đáo của tủ thờ cổ là những miếng ốc xà cừ qua thời gian đã lên nước, bóng lộn, bắt ánh sáng cực nhạy. Dù trong bóng tối, cái tủ thờ cẩn ốc vẫn toát lên vẻ uy nghi với những ánh sắc xanh xanh đỏ đỏ lấp lánh (tùy loại ốc).
Những tích xưa với các đề tài như: Tam cố thảo lư, bát tiên, Thái Công điếu vị, ngư tiều canh độc, Văn Vương cầu hiền, mai lan cúc trúc, long phụng kỳ duyên… thường được thể hiện trên mặt chính diện của tủ thờ qua các nét cẩn ốc.
Tủ thờ được phân làm 2 loại: Tủ Nam và tủ Huế. Tủ Nam thường do thợ Gò Công làm, ốc cẩn miếng to, tủ ít chạm trổ. Tủ Huế có nhiều nét chạm, thường là chạm lộng (chạm xuyên lủng mảnh ván), ốc được cẩn chi li, tinh xảo, cầu kỳ và phức tạp. Trên thị trường, tủ Huế giá luôn cao hơn tủ Nam vì tính cầu kỳ ở kiểu dáng, nét chạm, nét cẩn ốc.
Tủ cẩn ốc nhiều, độ phản quang của ốc càng lớn, chi tiết càng nhỏ, càng sắc nét bao nhiêu thì giá trị của chiếc tủ càng tăng lên bấy nhiêu. Tìm mua một chiếc tủ thờ xưa, ốc đẹp, tại vùng quê giá còn khiêm tốn, thường chỉ 20 triệu đồng đổ lại, chứ đến khi chiếc tủ ấy về đến Sài Gòn, qua tay mối lái, bị cò béo cò gầy rỉa tới rỉa lui, được mông má lại hoàn hảo, giá của nó lên đến 40 – 50 triệu đồng là chuyện bình thường.
Những chuyến săn tủ thờ cổ
Cái thú hấp dẫn những người sưu tầm là những chuyến đi săn lùng đồ. Cụ Vương Hồng Sển ngày xưa khi xuống miệt quê lội ruộng săn tủ thờ cổ, mua được cái bình ưng ý, về đến nhà tối mịt, chân dính sình không kịp rửa, ôm cái bình leo lên giường ngủ, sướng đến quên cả cơm nước, vợ con.
Chủ nhân của 6 chiếc tủ thờ cổ kể trên cũng có không ít lần thất bại khi đi săn đồ. Anh kể lại: “Sáng hôm đó, tôi đọc tờ Mua và Bán, thấy mẩu quảng cáo ở nhà anh Út U, Châu Thành, Bến Tre, bán một bộ bàn ghế Luis, một tủ thờ cẩn ốc với giá 25 triệu đồng. Tôi lên đường ngay lập tức. Không có địa chỉ rõ ràng, tôi gọi điện thoại mãi không ai nghe, đến hơn 2 giờ chiều mới có người nghe máy bảo nhà ông Út U ở tận trong ruộng, cách đó 2 km.”
Nhiều người bán cho mình cái tủ thờ cổ nát như tương, giá rẻ như bèo, mừng húm vì vứt đi một của nợ trong nhà. Nhưng với những tay máu mê săn tủ thờ, chỉ cần phục chế lại, giá trị của chiếc tủ tăng lên rất nhiều lần. Có được một món đồ gỗ vừa xưa, vừa đẹp lại rẻ, dẫu có bỏ tiền nhiều, đi kiếm mua lại chưa chắc có.
Tham khảo: Mẫu liễn treo bàn thờ gia tiên Đẹp – Thịnh hành nhất năm 2018