Phong tục thờ cúng của người Tày – Thờ Thần Thổ Nông là một trong những nét văn hóa đặc sắc riêng của Người Tày. Khi qua buổi họp này, người làm chủ lễ sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong gia đình trong việc trang trí lại nhà cúng Thần Thổ nông, chuẩn bị những thứ đồ cúng, mổ gà, mổ lợn để giúp thầy cúng làm lễ.
Tìm hiểu phong tục thờ cúng của người Tày
Phong tục thờ cúng của người Tày – thờ Thần Thổ nông là vị thần thổ địa (thần đất) cai quản mảnh đất mà dân bản sinh sống. Khi bắt đầu sản xuất một vụ mới, người Tày, Nùng tại các bản làng ở Cao Bằng lại chuẩn bị nghi lễ và đồ cúng để thờ cúng các vị thần thổ nông, mong cho một năm mới an lành, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Việc thờ cúng thần Thổ nông còn có ý nghĩa khác là tưởng nhớ và biết ơn đối với công lao của những người đã khai làng, lập bản.
Miếu thờ thần Thổ nông thường được dựng ngay sau khi chọn đất lập bản. Mảnh đất thiêng làm miếu thờ Thổ nông đã được thầy địa lý xem xét, thầy cúng làm lễ và cả làng nhất trí lựa chọn. Nơi được chọn làm miếu thờ Thổ nông phải là nơi vắng vẻ, yên tĩnh và thoáng mát ở đầu bản hoặc cuối bản. Miếu thờ to hay nhỏ là do ý nguyện của dân trong bản. Miếu thờ Thổ nông thường được làm khung gỗ, quây bằng phên, lợp bằng ngói.
>>> Xem thêm: Phong tục thờ mẫu
Hằng năm, cứ vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở 10 xóm tại xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên (xưa là tổng Cổ Nông) lại tổ chức nghi lễ thờ cúng miếu thờ thần Thổ nông dưới chân Phía Đán. Theo tích xưa được các cụ trong làng kể lại: Miếu thờ thần Thổ nông xưa kia là tổng Cổ Nông gồm 6 xã: Đà Tàu, Thạch Bình, Đồn Huệ, Quốc Dân, Bà Dương, Cổ Nông. Miếu thờ được xây dựng bằng các khối đá lớn, có 2 điện thờ. Nhưng do chiến tranh, ngôi miếu dần bị mai một và rơi vào quên lãng. Năm 2017, nhờ nguồn xã hội hóa từ địa phương, ngôi miếu được phục dựng lại để người dân trong vùng đến thờ cúng và thực hiện các nghi lễ của lễ hội xuống đồng đầu năm mới.
Lễ vật thờ cúng thờ Thần Thổ Nông
Trong các lễ vật thờ cúng, con gà và hạt gạo là những lễ vật quan trọng nhất:
- Gà phải được chọn kĩ càng, có thân hình to, tròn, mào đỏ, vàng thịt nhất được đem lên mâm cúng. Gạo được chia làm 2 loại, gạo nếp và gạo tẻ.
- Gạo nếp được đồ chín thành xôi, dùng để làm chân mâm cho gà quỳ gối. Gạo tẻ được thầy cúng sử dụng trong các nghi thức, nghi lễ, dùng để cắm chân hương hoặc làm phép.
Sau khi đã hoàn thành các nghi lễ, thầy cúng trộn gạo tẻ với muối. Mỗi gia đình trong bản đều được chia mỗi người một nắm nhỏ, được gọi là “gạo lộc”. Những hạt “gạo lộc” này được người dân trong vùng mang theo bên người với quan niệm cầu mong sự may mắn, mùa màng bội thu, trong nhà lúc nào cũng đủ đầy, sung túc.
Mỗi địa phương có những phong tục thờ cúng và cách thức thờ cúng khác nhau. Song điểm chung của tục thờ cúng thần Thổ nông của dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng là gắn liền với lễ hội xuống đồng. Sau nghi lễ, người dân trong vùng tổ chức các hoạt động vui chơi, ca hát. Ông Bế Kim Cang, chủ lễ của nghi thức thờ thần Thổ nông ở xã Phi Hải chia sẻ: Ngôi miếu và khoảng đất linh thiêng dựng miếu là nơi sinh hoạt tâm linh của cả xóm. Mỗi gia đình trong xóm khi có việc lớn như xây, sửa nhà, lấy vợ, gả chồng, thôi nôi, ma chay… thường mang lễ vật đến miếu thắp hương xin phép Thổ nông. Nhưng đông vui nhất là lễ cúng Thổ nông vào ngày 30 Tết và lễ hội Lồng tồng hằng năm.
Phong tục thờ cúng của người Tày, không chỉ là một buổi lễ sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đơn thuần mà còn là sự đoàn kết, gắn bó keo sơn cộng đồng.